Có nên mua nhà tại những dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng?
Nếu mua nhà tại các dự án này, người dân sẽ có nguy cơ bị mất nhà do ngân hàng siết nợ trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa ngân hàng và
Xôn xao vì thông tin danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp tại Ngân hàng
Mới đây, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng để vay vốn, con số này có được nhờ kết quả rà soát tính cho đến ngày 8/6. Con số này chỉ chiếm tỷ lệ 13,2% trong tổng số gần 600 dự án đang triển khai trên địa bàn Thành phố.
Tương tự, Sở TN và MT Hà Nội cũng cho biết, bước đầu đã thống kê được 26 dự án đang thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng. Con số này cũng rất nhỏ so với thực tế hơn 300 dự án đang được triển khai.
Tuy nhiên, ngay sau khi những danh sách này được công bố, thị trường bất động sản lập tức dậy sóng. Nhiều người mua nhà tỏ ra hoang mang, lo lắng khi căn hộ họ mua nằm tại các dự án có tên trong danh sách thế chấp tại ngân hàng. Một số doanh nghiệp bất động sản bị “bêu” tên cũng lao đao khi hàng ngày phải trả lời hàng trăm cuộc điện thoại của khách hàng dò hỏi thông tin.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc Sở Tài Nguyên và Môi Trường công bố danh sách các dự án đang “cắm” quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng là hành động đáng hoan nghênh nhằm minh bạch hóa thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc công bố thông tin một cách không đầy đủ chính là nguyên nhân gây ra sự hoang mang lo lắng của người mua nhà cũng như đang tạo áp lực không đáng cho cho một số doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hiểu thế nào cho đúng về những dự án đang thế chấp
Luật sư Trương Thanh Đức, người từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, thực tế gần như 100% các dự án bất động sản đều phải dựa vào nguồn vốn của ngân hàng. Nhưng do không phải dự án nào cũng đủ điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất hay thế chấp dự án theo đúng quy định của pháp luật, nên vì lợi nhuận, các ngân hàng đã nghĩ ra đủ mọi cách để cho vay sau đó dùng điều 142 của Luật các tổ chức tín dụng để che dấu thông tin về các khoản vay này.
“Luật tổ chức tín dụng 2010 thì quy định thông tin của khách hàng vay vốn thuộc dạng thông tin mật, không được phép công bố và phổ biến. Điều này gây ra sự lệch pha nhất định trong việc triển khai quy định pháp luật đến thực tế và dẫn đến tình trạng thông tin về thế chấp rất tù mù.”, ông Đức cho biết.
Trong khi đó, Sở TN MT Hà Nội cũng thừa nhận những dự án được cấp quyền sử dụng đất tại HN đủ điều kiện để thế chấp vay vốn là rất ít. Điều này có nghĩa các ngân hàng sẽ phải lách để cho vay và được vay. Hệ quả là những thông tin này bị bưng bít nên khách mua nhà có lên cơ quan chức năng tra cứu thì cũng không thể tìm được kết quả gì. Hậu quả là nếu doanh nghiệp vay ngân hàng không có tiền trả thì rất có thể căn hộ bị siết nợ chính là căn hộ mà khách hàng vừa mua phải.
Từ đó cho thấy:
Việc thế chấp dự án bất động sản tại các tổ chức tín dụng là hoạt động kinh doanh một cách bình thường, và đã được quy định khá chặt chẽ tại luật liên quan kinh doanh bất động sản cũng như luật tổ chức tín dụng.
Hoạt động này thực hiện hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nào đó, chủ dự án đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cố tình sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư dàn trải không hiệu quả…dẫn đến nguy cơ phá sản, gây rủi ro cho người dân.
Do đó, các chuyên gia đề xuất, bên cạnh việc công bố danh sách các dự án đang thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn thì cơ quan chức năng cũng cần:
Phân loại việc thế chấp cũng như chủ đầu tư thay vì công bố thông tin một cách mập mờ gây hiểu lầm cho người mua.
Công bố mục đích thế chấp một cách minh bạch đến người mua nhà
Mua nhà tại những dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, nên hay không?
Theo quy định pháp luật Nhà ở 2014:
Các dự án khi đang thế chấp ngân hàng sẽ không được phép bán căn hộ
Nếu muốn bán căn hộ dự án đó phải được giải chấp trước đó.
Nếu mua nhà tại các dự án này, người dân sẽ có nguy cơ bị mất nhà do ngân hàng siết nợ trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa ngân hàng và chủ đầu tư như đã từng diễn ra.
Tuy nhiên, Luật cũng chỉ ra rằng, chủ đầu tư vẫn có thể bán hoặc chuyển nhượng dự án đang “cầm cố” tại Ngân hàng với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận và khách hàng đồng ý.
Mặt khác, dự án được ngân hàng tài trợ cho vay vốn là một trong những tiêu chí quyết định khách hàng có chấp nhận rút hầu bao để mua nhà hay không, vì khi dự án có ngân hàng cho vay thì tiến độ dự án mới được bảo đảm. Thế nhưng thực tế lại có rất nhiều dự án quảng cáo là được ngân hàng cho vay vốn nhưng lại không hề có tên trên hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước.
Từ đó cho thấy, khách hàng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn dự án nhà ở để “xuống tiền”. Không phải tất cả những dự án đang thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng để vay vốn đều mang đến rủi ro cũng như những dự án không có tên trong danh sách này lại an toàn.
Quan trọng nhất là việc chủ đầu tư vay vốn để triển khai dự án, bảo đảm tiến độ là một hoạt động hoàn toàn bình thường trong kinh doanh và đầu tư bất động sản.
Leave a Reply